“Ai hưởng lợi từ việc thu quá giá như vậy? Chỉ có người hoạt động trái phép hưởng lợi, còn người dân không được hưởng gì. Theo tôi, thành phố phải dứt khoát quy hoạch lại các điểm đỗ xe tĩnh và chấn chỉnh các hoạt động trái phép”, đại biểu Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.
Chiều 5/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất tăng mức phí thuê lòng đường, vỉa hè cao gấp 3 lần hiện tại. Giá trông giữ phương tiện trên các tuyến phố trong nội thành của TP Hà Nội cũng được nâng lên.
Cụ thể, mức phí sử dụng lòng đường hè phố sẽ tăng khoảng 300% đối với các tuyến cần hạn chế, hầu hết nằm trên 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Khu vực này sẽ tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng sử dụng lòng đường trông giữ ô tô; từ 45.000 lên 135.000 đồng/m2/tháng đối với trông giữ xe máy.
Ngoài ra, các khu vực tính từ trung tâm thành phố đến vành đai 3 cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng đối với các tuyến phố từ Vành đai 1 đến đô thị lõi (250%); từ vành đai 2 đến vành đai 1 và từ vành đai 3 đến vành đai 2 tăng 130%; giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến khu vực ngoại thành. Riêng đối với các điểm ứng dụng công nghệ trông giữ xe thông minh (iPaking), được đề xuất thu phí theo tỷ lệ 30% doanh thu.
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội giải trình tại hội trường
Cùng đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt mức giá trông giữ phương tiện trên lòng đường, hè phố mới, sẽ được áp dụng chính thức từ ngày 1/1//2018. Cụ thể, xe máy tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/xe/lượt, ô tô tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt. Có những khu vực mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1.700.000 đồng lên 2.600.000 đồng/ô tô/tháng.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Huy Được (đoàn Ba Vì) nói: “Đường cho người đi xe, vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, việc để vỉa hè cho người đi bộ và xác định những vị trí để trông giữ xe bảo đảm đáp ứng yêu cầu thì cần phải xem xét kỹ các phương án”.
Nhắc lại vấn đề Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nhắc đến qua thống kê 180 quán bia vỉa hè, hơn 150 quán có công an đứng sau, đại biểu Được băn khoăn không rõ mức phí thuê vỉa hè, giá trông giữ phương tiện tăng lên như vậy sẽ gây ra hệ lụy gì và ai sẽ là người hưởng thụ. Đặc biệt là thành phố được hưởng bao nhiêu tiền từ việc tăng phí như vậy.
“Trong những ngày gần đây, dư luận rất bức xúc về việc nâng cấp vỉa hè. Chưa nói đến câu chuyện nâng cấp thế nào, đá ra làm sao, điều quan trọng nhất là thành phố đã chi ngân sách để nâng cấp vỉa hè. Vậy việc thu phí để tái đầu tư là cần thiết. Vấn đề đặt ra là làm sao minh bạch. Nên chăng đấu giá việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để tránh việc nghi ngờ”, đại biểu Được kiến nghị.
Đại biểu Hoàng Huy Được băn khoăn việc tăng phí thuê lòng đường và tăng giá trông giữ xe tiền sẽ về túi ai
Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho biết, trong nhóm giải pháp giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP có đề cập đến giải pháp kinh tế.
“Tiếp cận Nghị quyết lần này tôi nghĩ chúng ta không đặt vấn đề thu thêm được bao nhiêu tiền. Thực tế, chúng ta không cần một vài trăm tỷ thu từ vỉa hè để trông giữ xe ô tô và xe máy, mà nhằm tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông”, đại biểu Nguyễn Hoài Nam nói.
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam việc điều chỉnh giá trông giữ phương tiện giao thông cũng nhằm tiệm cận giá thị trường. Bản thân ông Nam mỗi lần gửi ô tô ở các khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm không dưới từ 50.000 đến 100.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, điều ông Nam băn khoăn số tiền mình phải trả như vậy sẽ vào túi ai?
“Ai hưởng lợi từ việc thu quá giá như vậy? Chỉ có người hoạt động trái phép hưởng lợi, còn người dân không được hưởng gì. Theo tôi, thành phố phải dứt khoát quy hoạch lại các điểm đỗ xe tĩnh và chấn chỉnh các hoạt động trái phép”, đại biểu Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại hội trường
Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị, UBND TP tăng cường quản lý, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm sử dụng lòng đường, hè phố không phép, sai phép trông giữ phương tiện, làm ảnh hưởng đến trật tự đô thị, ùn tắc giao thông, thu giá trông giữ xe sai quy định và kiên quyết thu hồi giấy phép đối với các trường hợp tái phạm.
“Cần tập trung quyết liệt hơn trong thực hiện đầu tư hệ thống giao thông tĩnh theo quy hoạch trên địa bàn để giảm dần việc sử dụng diện tích lòng đường, hè phố trông giữ phương tiện”, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hồ Thị Vân Nga nói.
Giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tăng giá trông giữ xe trong khu vực lòng đường, vỉa hè (phí thuê lòng đường, vỉa hè tăng), còn trong các trung tâm thương mại, tòa nhà vẫn giữ nguyên. Việc tăng giá này được thực hiện theo giờ và theo từng khu vực trên địa bàn thành phố.
Theo ông Viện đây là đợt tăng giá lần thứ nhất, nhằm tiệm cận giá trông giữ xe đang được thị trường chấp nhận. Cụ thể, giá trông giữ xe đạp theo quy định hiện nay là 2.000 đồng, nhưng thực tế người dân phải trả 5.000 đồng; Giá trông giữ xe máy là 3.000 đồng, nhưng người dân phải trả là 5.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng; Còn ô tô là 30.000 đồng/2h, nhưng người dân phải trả 50.000 đồng.
“Thành phố tăng giá trông giữ phương tiện giao thông không lấy mục tiêu thu tiền về ngân sách là chính. Việc tăng giá để người dân cân nhắc khi sử dụng phương tiện, từ đó đạt mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân. Ngoài ra, việc này còn khuyến khích nhà đầu tư vào bãi đỗ xe tĩnh, để giảm đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè”, ông Vũ Văn Viện giải thích.
Nguồn: http://dantri.com.vn/su-kien/ha-noi-tang-phi-thue-via-he-tang-gia-gui-xe-tien-vao-tui-ai-20171205160201965.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.