Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

TP HCM gắn tên đường Lê Văn Duyệt

 Đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu dài 947 m, lộ giới 30 m được đổi tên thành đường Lê Văn Duyệt, sáng 16/9.

"Quận sẽ có hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện tối đa cho người dân thay đổi, bổ sung các giấy tờ nhà đất, hộ khẩu, chứng minh nhân dân... sau khi đổi tên đường", ông Hoàng Song Hà, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố (thứ 3 từ phải qua) tại lễ đặt tên đường Lê Văn Duyệt. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố (thứ 3 từ phải qua) cùng lãnh đạo thành phố kéo tấm vải phủ bảng tên Lê Văn Duyệt tại lễ đổi tên đường, sáng 16/9. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trước đó, ngay sau khi có chủ trương đổi tên đường, quận Bình Thạnh nhiều lần lấy ý kiến người dân phường 1 và 3, đa số đều đồng tình đổi tên đường để tưởng nhớ Tả quân Lê Văn Duyệt.

Ông Lê Văn Hòa, hậu duệ đời thứ 6 của Lê Văn Duyệt cho biết, cả gia tộc hơn 300 người cảm thấy vinh dự, tự hào khi được chính quyền và nhân dân TP HCM ghi nhận công lao đóng góp của tổ tiên với đất nước và thành phố.

"Con cháu chúng tôi sẽ luôn học tập, làm việc cống hiến xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với công lao cha ông đã làm được", ông Hòa nói.

Hồi tháng 6, Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt (thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu) đề xuất khôi phục tên đường Lê Văn Duyệt từng có trước năm 1975.

Ngày 11/7, HĐND TP HCM thông qua nghị quyết bổ sung quỹ tên đường Đinh Tiên Hoàng thành đường Lê Văn Duyệt theo đề nghị UBND thành phố. Con đường nằm trọn trên hai phường 1 và 3 (quận Bình Thạnh), nên việc đổi tên không làm thay đổi số nhà, xáo trộn nhiều cuộc sống người dân ở đây.

Đường Đinh Tiên Hoàng chính thức mang tên Lê Văn Duyệt từ sáng 16/9. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đường Đinh Tiên Hoàng đổi tên thành Lê Văn Duyệt từ sáng 16/9. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) sinh ra trong gia đình nông dân tại Cù Lao Hổ, nay thuộc làng Hòa Khánh, tỉnh Tiền Giang. Tổ tiên ông có gốc tích ở Quảng Ngãi, sau vào Nam sinh sống.

Vua Gia Long xem Lê Văn Duyệt là Đệ nhất khai quốc công thần và phong chức Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân. Ông được giao làm tổng trấn Gia Định Thành (cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và An Giang) lần thứ nhất từ 1813 đến 1816; lần thứ hai từ 1820 đến lúc qua đời.

Với miền Nam, Lê Văn Duyệt có công khai hoang, lập ấp, biến một vùng rừng rậm, đầm lầy trở nên trù phú với một nền an ninh vững chắc. Tả quân cũng là người có công lớn trong việc đào kinh Vĩnh Tế tại Châu Đốc (An Giang).

Nguồn: https://vnexpress.net/tp-hcm-gan-ten-duong-le-van-duyet-4162603.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.