Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Người lao động thất nghiệp vì Covid-19 muốn có việc làm ngay

Học nghề, giới thiệu việc làm, trợ cấp thất nghiệp... là các lựa chọn đối với lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người lao động mất việc do Covid-19 chủ yếu chọn tìm việc mới ngay.

Muốn có việc luôn

Tới đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) những ngày cuối tháng 7, anh Lê Văn Huy có mong muốn tìm ngay được công việc mới đem lại thu nhập để trang trải sinh hoạt cho gia đình.

Bên cạnh việc nhận khoản trợ cấp thất nghiệp, anh Huy còn được hưởng thêm nhiều quyền lợi khác, trong đó có học nghề miễn phí.

Người lao động thất nghiệp vì Covid-19 muốn có việc làm ngay - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội

“Tôi hơi phân vân với việc học nghề cho công việc mới. Bởi thời gian học mới 3 tháng. Mặt khác, tấm bằng sơ cấp sau khi đi học nghề cũng khó xin việc” - anh Lê Văn Huy chia sẻ.

Theo quy định, thời gian học nghề đối với lao động thất nghiệp không quá 6 tháng (Điều 56 Luật Việc làm) và mức hỗ trợ kinh phí học nghề cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định là không quá 1 triệu đồng (điều 3 Quyết định 77/2014/QĐ-TTg).

Không chỉ anh Huy, nhiều người lao động mất việc sau dịch Covid-19 đều có tâm lý chung là mong tìm kiếm công việc tạo thu nhập ngay để trang trải cuộc sống khó khăn.

Cũng tâm trạng đó, chị Trần Ngọc Ánh từng làm kế toán tại Hà Nội giải thích: “Gia đình tôi đang rất khó khăn về tài chính khi phải nghỉ việc 3 tháng nay. Giờ dành ra 3 tháng để học nghề mà chưa chắc chắn có việc làm hay không là điều cần cân nhắc”.

Thay vì đi học một nghề mới, chị Ánh chọn cách ở nhà kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập, đồng thời chờ đợi được ứng việc vào công việc kế toán mới.

Tâm lý nóng vội muốn tìm việc ngay phần nào cũng dễ cảm thông bởi  người lao động đang có việc làm và thu nhập, nay vì Covid-19, nguồn thu nhập từ công việc mất đi. Thậm chí, nhiều người đang là trụ cột của gia đình.

Việc tham gia khoá học sẽ chưa thể chưa cho họ có ngay nguồn tài chính để hỗ trợ gia đình. Mặt khác, việc chưa nhiều người thất nghiệp tham gia học nghề còn do danh mục các nghề đào tạo chỉ xoay quanh các nghề dành cho các lao động giản đơn, như: May, nấu ăn, tin học, pha chế...

Nhiều lựa chọn 

Trao đổi về vấn đề này, ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội - thừa nhận tình trạng học viên đăng ký các lớp học nghề hỗ trợ người thất nghiệp giảm đáng kể thời gian qua, mặc dù trung tâm đã triển khai tư vấn và tuyên truyền.

Người lao động thất nghiệp vì Covid-19 muốn có việc làm ngay - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Lao động sử dụng ứng dụng để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp

Ông Thảo cho biết: “Nguyên nhân người đăng ký học giảm mạnh là do người lao động chưa yên tâm để bắt đầu công việc mới đợt cách ly do dịch Covid-19. Một số lao động chỉ sử dụng bảo hiểm thất nghiệp làm phao cứu sinh khi bị thất nghiệp. Khi đặt vấn đề đào tạo nghề mới, nhiều người băn khoăn”.

Bên cạnh đó, công tác dạy nghề cần có nhiều điểm cải tiến nhằm thu hút sự hào hứng của người học nghề, như: Mở rộng danh sách các nghề đào tạo, đa dạng hoá hình thức tham gia kinh phí đóng góp để có thêm nhiều nghề chất lượng...

Thống kê cho thấy, tỷ lệ học viên sau khi hoàn thành khóa học tại Trung tâm có việc làm ngay và đúng với nghề đã học chiếm khoảng hơn 50%.

Cũng theo ông Thảo, các khóa học nghề có thời gian đến 3 tháng, trong khi lao động thất nghiệp chỉ muốn học nghề trong thời gian sớm nhất để quay lại thị trường việc làm.

Do vậy, tâm lý chung của một số người lao động là chọn làm tự do để có thu nhập duy trì cuộc sống trong khi tìm việc làm mới.

Vấn đề trên là thực trạng đang diễn ra. Tuy nhiên, người lao động khi hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cần hiểu và đánh giá đúng về ý nghĩa của chính sách.

Theo đó, khoản trợ cấp thất nghiệp được Luật Việc làm quy định trên nguyên tắc đóng hưởng, là một phần hỗ trợ khi người lao động gặp khó khăn. Ngay cả chính sách hỗ trợ học nghề, với nguồn lực có hạn, cũng chỉ là việc trang bị một phần kỹ năng nghề cho người lao động.

Bên cạnh đó, chế độ bảo hiểm thất nghiệp còn cho phép người lao động nhiều lựa chọn phù hợp với khả năng bản thân, như: Được tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí hoặc học nghề mới để sớm có thể quay lại thị trường lao động.

Chính vì vậy, việc lựa chọn các trợ giúp trong chính sách để phù hợp với người lao động khi thất nghiệp là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2020 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số lượng học viên tham gia các lớp học hỗ trợ lao động thất nghiệp là 512 học viên, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/nguoi-lao-dong-that-nghiep-vi-covid-19-muon-co-viec-lam-ngay-20200729085217557.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.