Theo Trưởng tiểu ban Chính sách của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục hoành hành, trong tháng 4-5 các doanh nghiệp ôtô ở Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn.
Ford tạm đóng cửa một nhà máy, nhiều DN điều chỉnh kế hoạch
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết hiệp hội này vừa có báo cáo gửi Chính phủ và các cơ quan chức năng, tổng kết những tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp ô tô.
Theo ông Hiếu, một số doanh nghiệp (DN) ô tô đã thông báo nguồn cung có thể bị gián đoạn trong thời gian gần do một số đối tác nước ngoài tại Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, châu Âu bị phong tỏa, cách ly.
Bởi vậy, nhiều DN buộc phải điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất, thậm chí tính tới việc đóng cửa nhà máy trong một giai đoạn nhất định cho tới khi tìm được nguồn cung thay thế.
Hiện nhiều chuyên gia, kỹ sư, thậm chí cả tổng giám đốc của một số DN thành viên VAMA không thể nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định mới nhất. Một số cán bộ nhân viên của các nhà sản xuất ô tô hoặc nhà cung ứng đã và đang phải cách ly theo đúng quy định, hoặc được bố trí làm việc ở nhà để giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh.
Đơn cử, theo đại diện Ford Việt Nam, dự án mở rộng nhà máy nâng công suất từ 14.000 xe/năm lên 40.000 xe/năm khởi công cuối năm 2019 ở Hải Dương đang gặp khó khăn do nhiều chuyên gia từ nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam, cùng với đó là các trang thiết bị máy móc bị dừng nhập khẩu, khiến tiến độ chậm trễ.
Trong một thông báo mới nhất ngày 24/3, Ford Mỹ tuyên bố sẽ tạm đóng của các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, Ấn Độ, Nam Phi và Thái Lan. Thời gian bắt đầu tạm ngừng sản xuất tại nhà máy từ ngày 21/3.
Các nhà máy đầu tiên tạm dừng sản xuất là nhà máy lắp ráp xe ở Chennai, nhà máy lắp ráp xe ở Sanand bang Gujarat, nhà máy sản xuất động cơ ở Sanand và Chennai (Ấn Độ).
Tiếp đến, nhà máy lắp ráp xe Ford Hải Dương tại Việt Nam sẽ tạm ngừng sản xuất vào ngày 26/3.
Ngày 27/3, nhà máy Ford Motor Company Thái Lan (ở Thái Lan), nhà máy lắp ráp xe Silverton và nhà máy động cơ Struandale ở Nam Phi cũng sẽ tạm dừng hoạt động.
"Sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, đại lý, khách hàng, đối tác và cộng đồng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi đang tiếp tục hành động và thực hiện các biện pháp an toàn bổ sung bằng cách tạm thời ngừng sản xuất tại các cơ sở sản xuất của chúng tôi trên thị trường quốc tế", ông Mark Ovenden, người đứng đầu Khối thị trường quốc tế (IMG) của Ford cho biết.
"Trong thời gian tạm thời đóng cửa, chúng tôi đã yêu cầu nhân viên làm việc từ xa trừ khi các công việc của họ bắt buộc phải có mặt tại nhà máy. Chúng tôi vẫn chưa xác định ngày chính xác khi nào việc sản xuất tại các nhà máy nói trên sẽ bắt đầu trở lại ", lãnh đạo của Ford cho biết thêm.
Ngoài các nhà máy như thông báo ở trên, hiện hãng xe Mỹ Ford không thấy đề cập đến việc nhà máy Auto Alliance Thailand, liên doanh giữa Ford và Mazda tại Thái Lan, có ngừng hoạt động hay không.
Còn đại diện Mercedes - Benz Việt Nam (MBV) cho rằng để phục vụ lắp ráp xe trong nước, MBV phải nhập khẩu bộ linh kiện từ Đức. Tuy vẫn sản xuất hết công suất bởi chưa bị thiếu linh kiện, phụ tùng nhưng hãng xe này tỏ ra lo lắng tình hình dịch bệnh sẽ khiến khách hàng e ngại ra ngoài mua sắm, dẫn đến cầu giảm, kéo theo giá xe cũng như doanh số bán hàng có thể giảm.
Hiện tại, theo đại diện TC Motor, dù hoạt động tại nhà máy không bị ảnh hưởng nhưng với việc nguồn linh kiện đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là từ Hàn Quốc - quốc gia chịu ảnh hưởng khá nhiều từ dịch bệnh Covid19 nên phần nào cũng có ảnh hưởng tới Việt Nam.
"Doanh nghiệp đã tính toán tất cả các phương án cho các kịch bản cũng như diễn biến dịch Covid-19 với mục tiêu đảm bảo cao nhất sự an toàn của cán bộ, công nhân viên tại nhà máy cũng như đáp ứng theo những chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ", đại diện TC Motor bày tỏ.
Doanh số bán hàng sụt ít nhất 15%
Trên thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, giải trí, giao thông vận tải... phải giảm thiểu hoặc tạm dừng hoạt động dẫn tới sụt giảm đáng kể nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Do đó, số lượng khách hàng tới tìm hiểu xe tại các đại lý cũng đã giảm sút đáng kể, kéo theo số lượng hợp đồng ký mới giảm tương ứng.
Do đó, theo Trưởng tiểu ban Chính sách VAMA Nguyễn Trung Hiếu, các yếu tố trên đã trực tiếp ảnh hưởng tới doanh số bán ô tô trong tháng 3 cũng như trong thời gian tới khi mà dịch Covid-19 có thể kéo dài. Thị trường cả năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự báo ban đầu.
Theo thống kê, hiện số lượng xe đến các gara để sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng giảm khoảng 30-40%. Dự báo về lâu dài có thể giảm mạnh tới 60-70% nếu tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD, từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD. Riêng ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc.
Các dòng xe du lịch có linh kiện được nhập khẩu từ nhiều quốc gia để tiến hành lắp ráp, tuy nhiên những quốc gia này hoặc đang bùng phát dịch bệnh (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện xuất khẩu sang Việt Nam (Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á).
Do đó, theo ông Hoài, dự kiến đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất...
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cac-hang-lap-rap-oto-tai-viet-nam-bat-dau-kho-khan-vi-covid-19-20200325200226419.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.