Thực tế cho thấy, thị trường taxi truyền thống thời gian trở lại đây liên tục vấp phải khó khăn từ việc xuất hiện của doanh nghiệp ngoại với hình thức dịch vụ vận tải mới mẻ như Grab...
Tracodi vừa công bố quyết định thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty Taxi Việt Nam.
Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải – Tracodi (Mã CK: TCD) vừa công bố quyết định thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty Taxi Việt Nam (Vinataxi), tương đương 30% vốn điều lệ tại Vinataxi. Tổng vốn điều lệ của Vinataxi hiện là gần 113 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện diễn ra vào tháng 11/2018. Theo đó, Tracodi uỷ quyền cho ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tracodi thực hiện đàm phán giá giao dịch chuyển nhượng phù hợp, đồng thời tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm việc chuyển nhương này.
Giá chuyển nhượng Tracodi đưa ra sẽ không thấp hơn giá trị hiện tại của cổ phiếu NPV của Vinataxi theo giá trị sổ sách của hãng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, lãnh đạo Tracodi từng cho biết Tracodi chỉ giữ 30% sở hữu không chi phối, chủ yếu do đối tác ComfortDelgro chiếm 70% vốn quyết định. Công ty đã có thương thảo với đối tác một là đưa Vinataxi niêm yết cổ phiếu hoặc sẽ thoái vốn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2018 của TCD vừa công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3 và luỹ kế 9 tháng đầu năm 2018 lần lượt đạt 133,7 tỷ đồng và 536 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lần lượt là 8,86 tỷ đồng và 30,42 tỷ đồng. Cả doanh thu, lợi nhuận của Tracodi đều giảm mạnh so với cùng kỳ.
Đánh giá về hoạt động kinh doanh tại liên doanh Vinataxi năm 2017, lãnh đạo Tracodi cho biết: Kinh doanh vận tải taxi ngày càng cạnh tranh khốc liệt, ngoài các đối thủ taxi truyền thống thì còn phải đối đầu với loại hình mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam như Uber và Grab.
“Năm 2017, doanh thu Vinataxi đạt 47,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1,2 tỷ đồng. Nhìn chung hoạt động của Vinataxi năm 2017 chịu ảnh hưởng về doanh thu do sự cạnh tranh từ các loại hình như Uber, Grab. Công ty cũng gặp khó khăn về biến động tài xế, thiếu lao động dẫn đến khó khăn trong kế hoạch tăng số lượng xe”, lãnh đạo Tracodi cho biết.
Thực tế cho thấy, thị trường taxi truyền thống thời gian trở lại đây liên tục vấp phải khó khăn từ việc xuất hiện của doanh nghiệp ngoại với hình thức dịch vụ vận tải mới mẻ như Grab.
Một đơn vị đã phải đi đến việc đóng cửa trước áp lực cạnh tranh ngày một lớn – Savico Taxi. Vào khoảng cuối tháng 3/2018, Savico (SVC) cùng với đối tác ComfortDelgro (công ty vận tải taxi lớn nhất Singapore đang giữ 70% cổ phần tại Vinataxi) đã hoàn tất việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh taxi tại ComfortDelgro Savico Taxi, việc xử lý đảm bảo được mục tiêu bảo toàn vốn góp của các bên. Lúc bấy giờ, Công ty này cũng đã tạm ngưng hoạt động kinh doanh taxi, đang nghiên cứu để tìm cơ hội kinh doanh phù hợp.
Trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Savico, công ty này cho biết hoạt động mảng kinh doanh taxi gặp nhiều khó khăn vì phải chịu cạnh tranh gay gắt từ Uber và Grab. Sau đó đại hội đã quyết định tái cấu trúc hoạt động kinh doanh taxi.
Hồi tháng 6/2018, Quỹ đầu tư GIC của Singapore cũng đã có thộng thái bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu nắm giữ tại Vinasun để “cắt lỗ”, khi kết quả kinh doanh của hãng taxi này liên tục đi xuống.
Trong khi đó, Vinasun chũng chính là doanh nghiệp taxi có phản ứng mạnh mẽ nhất với các doanh nghiệp taxi công nghệ. Hãng này đã khởi kiện Grab và yêu cầu Grab bồi thường với khoản lợi nhuận mà hãng này bị sụt giảm trong năm 2016 và nửa đầu 2017 là hơn 40 tỷ đồng.
Vinasun lập luận: Grab mặc dù tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực tế hoạt động, Grab là doanh nghiệp kinh doanh taxi, cùng lĩnh vực với Vinasun. Ngoài ra Grab còn liên tục đưa ra các phương thức cạnh tranh không lành mạnh, đưa ra khuyến mại tràn lan, phá giá.
Ttình hình giảm sút nghiêm trọng doanh số, tài xế của các hãng taxi nội địa là thực trạng chung trong những năm gần đây và được dự báo sẽ còn tiếp diễn khi Grab đã hoàn tất thâu tóm Uber - tạo ra sức cạnh tranh còn lớn hơn, tàn khốc hơn.
Trong một văn bản được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, đại diện Hiệp hội taxi 3 miền cho rằng với lỗ hổng pháp lý và chiêu trò kinh doanh của Uber, Grab thì có thể khiến hệ thống taxi tan rã.
Đại diện 3 hiệp hội này dẫn chứng, chỉ riêng ở TP.HCM, 1/2 số đơn vị taxi thành viên Hiệp hội taxi ở TP. HCM đã tan rã, các đơn vị còn lại cũng giảm đến 30% số xe. Tại Hà Nội số lượng đầu xe cũng giảm trên 35% số lượng đầu phương tiện...
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thoi-kho-cua-taxi-truyen-thong-canh-tranh-gay-gat-voi-grab-doi-tac-bo-chay-20181115071338352.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.