Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

Áp thấp nhiệt đới "nối đuôi nhau" vào Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (16/7), vùng áp thấp trên vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Cụ thể, hồi 7h cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 120-150km.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 5km.
Đến 7h ngày 17/7, tâm áp thấp nhiệt đới ở trong khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Thanh Hóa-Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 50km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, ngày hôm nay (16/7) ở khu vực Vịnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và giông, gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3m. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới: cấp 3
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu và tan dần.
Vị trí và hướng di chuyển của 2 cơn áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: NCHMF).
Vị trí và hướng di chuyển của 2 cơn áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: NCHMF).
Áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông
Sáng nay (16/7), trên vùng biển Đông Bắc đảo Lu-dông (Philippines) xuất hiện một áp thấp nhiệt đới.
Hồi 7h cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 125,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km và có khả năng mạnh thêm, như vậy đêm nay (16/7) áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào phía Bắc Biển Đông.
Đến 7h ngày 17/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 650km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở phía Đông khu vực Bắc từ đêm nay có mưa giông mạnh; gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 17,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 7h ngày 18/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây và ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ, các tỉnh ven biển Đông Bắc, Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông: cấp 3.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong ngày và đêm nay, trên Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau trong ngày và đêm nay có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh, sóng lớn: cấp 1.
Thanh Hóa khẩn trương ứng phó mưa lũ
Theo báo cáo của ngành chức năng, liên tiếp nhiều ngày qua, ở hầu hết các khu vực trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có giông. Theo dự báo, từ đêm 15 - 18/7, ở địa phương này tiếp tục có mưa, mưa vừa đến mưa to.
Trong khi đó, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vùng áp thấp trên Biển Đông đang hướng vào Thanh Hóa - Hà Tĩnh.
Mưa lớn đã khiến nhiều diện tích lúa trên địa bàn Thanh Hóa bị ngập úng
Mưa lớn đã khiến nhiều diện tích lúa trên địa bàn Thanh Hóa bị ngập úng
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong những ngày qua, để chủ động đối phó với mưa, lũ và đảm bảo an toàn công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa đã có công điện khẩn gửi các ngành, địa phương trên địa bàn.
Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, từ đêm 12/7 đến ngày 15/7, ở hầu hết các khu vực trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có giông.
Tổng lượng mưa đến 13h ngày 15/7 phổ biến từ 50 - 150 mm, trong đó một số nơi có lượng mưa lớn như: Triệu Sơn 148,3mm, Xuân Khánh 144 mm, Tĩnh Gia 132,5 mm...
Nhiều vùng trên địa bàn huyện Triệu Sơn bị ngập do mưa lớn những ngày qua
Nhiều vùng trên địa bàn huyện Triệu Sơn bị ngập do mưa lớn những ngày qua
Theo dự báo từ đêm 15/7 đến ngày 18/7 ở Thanh Hóa tiếp tục có mưa, mưa vừa đến mưa to; cục bộ có nơi mưa rất to, đặc biệt là khu vực vùng núi. Tổng lượng mưa từ đêm 15/7 đến 18/7 từ 100 - 200 mm, có nơi trên 200 mm.
Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình, cây trồng không bị ngập úng, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan ngừng việc cấp nước tưới; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ. Đồng thời chủ động tiêu nước đệm; phối hợp với ngành điện trong việc đóng điện cho các trạm bơm tiêu để sẵn sàng bơm tiêu úng.
Tiếp tục rà soát, tháo dỡ các ách tắc trên các trục tiêu đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ; kiểm tra vận hành các cống tiêu vùng triều, cửa biển để tiêu úng an toàn và hiệu quả.
Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng đã hoàn chỉnh phương án khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, nguy cơ đe dọa tính mạng con người
Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng đã hoàn chỉnh phương án khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, nguy cơ đe dọa tính mạng con người
Tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa, kịp thời phát hiện, sửa chữa khắc phục những hư hỏng, kiên quyết không tích nước những hồ chứa có nguy cơ bị mất an toàn. Thường xuyên báo cáo tình hình về Sở NN&PTNT và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Sở NN&PTNT cũng đã hoàn chỉnh phương án khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, nguy cơ đe dọa tính mạng con người, phương án bố trí quỹ đất và kế hoạch cụ thể để di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn: http://dantri.com.vn/su-kien/ap-thap-nhiet-doi-noi-duoi-nhau-vao-bien-dong-2018071610142924.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.