Tại phiên xử vụ cháy quán karaoke khiến 13 người tử vong, đối chất lời khai trước tòa, nam nhân viên làm thuê cho bị cáo Lê Thị Thì cho biết, Thì được cảnh báo về việc dễ xảy cháy khi cắt bản lề cửa nhưng Thì vẫn cho làm và bảo: “Mày cứ làm đi, cháy tao chịu!”.
Xem thêm: Khởi tố vụ cháy quán karaoke tại Trần Thái Tông
Kết thúc điều tra vụ cháy quán karaoke làm 13 người thiệt mạng
Kết thúc điều tra vụ cháy quán karaoke làm 13 người thiệt mạng
Sáng 26/3, TAND TP Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong. Trước đó, ngày 8/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ một số nội dung và những người liên quan theo đề nghị của luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình các nạn nhân.
Ngay từ sáng, rất đông người thân của các nạn nhân đến TAND TP Hà Nội để theo dõi phiên tòa. Phòng xử chật kín, một số người đeo khăn tang.
Đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy & chữa cháy số 3 (Cảnh sát PC&CC Hà Nội) và đại diện UBND quận Cầu Giấy cũng có mặt theo giấy triệu tập của tòa để làm rõ những trách nhiệm liên quan.
Phiên xử sáng 26/3 tập trung xét hỏi 3 bị cáo về các hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến vụ cháy có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên. Trước tòa, bị cáo Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, trú tại Hà Đông, Hà Nội) phải xin HĐXX cho tạm dừng phần xét hỏi để bị cáo được bình tĩnh khai báo.
Theo cáo buộc, Nguyễn Diệu Linh là chủ quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (quán karaoke thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ). Tuy nhiên, Linh đã tự ý thay đổi, không làm đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy theo bản thiết kế đã thẩm duyệt; không kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công. Trong khi việc sửa chữa, lắp đặt quán karaoke vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được nghiệm thu, chiều 1/11/2016, Nguyễn Diệu Linh vẫn chỉ đạo nhân viên quản lý cho 2 tốp khách vào hát.
Nói về vụ cháy, Linh cho rằng thời điểm đó (tháng 10/2016), bị cáo đang nuôi con nhỏ nên không có thời gian sát sao công việc thi công, hoàn thành quán. Bị cáo thuê khoán hoàn toàn với giá 340 triệu đồng để làm cách âm, ngăn tường...
Theo khai nhận của bị cáo Linh, việc cải tạo, sửa chữa để làm các phòng hát có nhiều hạng mục sai so với thiết kế và quy định về phòng cháy chữa cháy. Mặc dù chưa được nghiệm thu, chưa được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn về PCCC và các giấy tờ cần thiết khác nhưng ngày 26/10/2016, Linh đã mở cửa để đón khách.
Bị chủ tọa truy hỏi, nữ bị cáo sinh năm 1986 khai nhận, cơ sở của Linh cũng đã bị các đoàn kiểm tra lập biên bản và nhắc nhở. Linh cũng đã ký cam kết không mở cửa kinh doanh khi chưa hoàn thiện.
Bị cáo Linh cho rằng, việc bị cáo cho khách vào hát là để thử nghiệm chứ không nhằm mục đích kinh doanh. Chủ tọa cho rằng, lời khai này của bị cáo nhằm biện minh cho cam kết không kinh doanh khi chưa đủ điều kiện với cơ quan chức năng.
“Không kinh doanh thì không nên hiểu đơn giản là không thu tiền là xong, bị cáo phải hiểu rõ phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện tốt nhất thì mới mở cửa đón khách, chứ không phải đưa khách vào thử nghiệm.” - chủ tọa nhắc nhở.
Đối với bị cáo Hoàng Văn Tuấn (SN 1993), tại tòa, được HĐXX giải thích, Tuấn thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Hoàng Văn Tuấn thừa nhận không có chứng chỉ về công việc hàn điện, chưa được huấn luyện về an toàn lao động, chưa được cấp thẻ an toàn...
Trước tòa, bị cáo Lê Thị Thì khai có nhận “hợp đồng” với Trương Văn Tuyên để hàn các khung sắt ở trần để ốp gỗ với giá 500 nghìn đồng, đồng thời khẳng định phần việc cắt bản lề cửa không có trong “hợp đồng”.
Theo cáo buộc, Lê Thị Thì chỉ đạo Hoàng Văn Tuấn dùng máy hàn, máy cắt điện thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để cắt bản lề. Quá trình bị cáo Lê Văn Tuấn dùng máy hàn thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để dùng nhiệt cắt bản lề thì lửa vảy hàn bắn vào phần ốp cách âm, gây cháy.
Chủ tọa phiên tòa yêu cầu anh Lê Văn Viện, thợ hàn đi cùng bị cáo Lê Văn Tuấn, lên đối chất lời khai. Theo trình bày của anh Viện, trước bị cáo Tuấn thực hiện việc cắt bản lề, anh Phan Văn Thiên (người được chủ quán Nguyễn Diệu Linh thuê thi công phần cách âm) “cảnh báo” là việc hàn cắt có thể gây cháy.
“Bị cáo Thì bảo anh Tuấn “Mày cứ làm đi, cháy tao chịu” thì anh Tuấn mới làm.” - anh Viện nói.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục diễn ra.
Nguồn: http://dantri.com.vn/phap-luat/nhan-chung-vu-chay-quan-karaoke-13-nguoi-chet-may-cu-lam-di-chay-tao-chiu-20180326153153664.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.