Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

Lát đá toàn bộ vỉa hè hồ Gươm: Thành cái bẫy khi trời mưa?

Nhiều người dân cho rằng, gạch đá vỉa hè hồ Gươm còn bền vững, không nhất thiết phải thay toàn bộ; một số người cũng lo ngại đá tự nhiên sẽ trở thành cái bẫy khi trời mưa vì quá trơn. Tuy nhiên, các chuyên gia đồng tình với dự án này để xóa cảnh “chắp vá” vỉa hè hồ Gươm.


UBND quận Hoàn Kiếm đang lên kế hoạch thay hơn 20 loại gạch đá vỉa hè hồ Gươm bằng đá granite dày 10 cm, có nguồn gốc từ Bình Định. Kế hoạch này được nhân dân Thủ đô và các chuyên gia đặc biệt quan tâm.
Bà Cao Thị Ngọc (SN 1943) - một cán bộ hưu trí không đồng ý với phương án thiết kế dự án đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm. “Hồ Gươm hiện nay đã đẹp rồi, bao giờ đất nước có của ăn của để thì mới nên làm. Tuyệt đối không được lát đá xanh xung quanh bờ hồ”, bà Ngọc cho ý kiến.
Cùng nội dung trên, bà Nguyễn Thị Sáu (SN 1938) cũng góp ý nên để số tiền này xây trường học cho các cháu mẫu giáo nơi khó khăn và đề nghị tuyệt đối không nên lát đá xanh, đó chỉ là những cái bẫy cho người già vì nó quá trơn.
Lớp gạch cạnh mép hồ Gươm đã xuống cấp
Lớp gạch cạnh mép hồ Gươm đã xuống cấp
Cho ý kiến về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thực – một kỹ sư xây dựng cho rằng, đá granite lát quanh hồ Gươm chỉ cần dày 8 cm là phù hợp chứ không nhất thiết phải đến 10 cm, như phương án quận Hoàn Kiếm đề xuất.
Bởi theo ông Thực, đường đi dạo trên hồ chỉ dành cho người đi bộ, tải trọng không lớn. “Độ dày đá lát vỉa hè quanh hồ Gươm chỉ 8 cm là đủ bền cho hàng chục năm. Việc giảm độ dày cũng tiết kiệm chi phí khá nhiều”, ông Nguyễn Văn Thực cho hay.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm nêu ý kiến, việc thay đổi lớn về hạ tầng kỹ thuật ở hồ Gươm cần phải cẩn trọng vì đây là di tích đặc biệt của quốc gia. Theo ông, TP Hà Nội ngoài việc lấy ý kiến nhân dân cần phải tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học để tạo sự đồng thuận cho dự án.
Về dự án thay thế toàn bộ hơn 20 loại gạch đá vỉa hè hồ Gươm bằng đá granite, ông Liêm cho rằng, đây là việc nên làm để tạo vẻ đẹp xung quanh hồ vì đây là vị trí người trong nước và du khách quốc tế thường đến tham quan.
Lớp đá xanh trên vỉa hè hồ Gươm còn khá nguyên vẹn
Lớp đá xanh trên vỉa hè hồ Gươm còn khá nguyên vẹn
Tuy vậy, ông Liêm cũng lưu ý, quận Hoàn Kiếm phải chọn giải pháp kỹ thuật tốt tạo độ nhám bền vững cho đá granite, tránh trơn trượt trong những ngày mưa. Ngoài ra, quá trình lát đá cũng phải để tạo khe hở cho nước mưa thoát xuống lòng đất. Sau khi dự án hoàn thành, quận Hoàn Kiếm cũng nên giữ lại một phần đá, khi cần đem thay thế, tạo sự đồng nhất.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, để tạo sự minh bạch, quận Hoàn Kiếm cũng nên công khai tổng mức đầu tư cho nhân dân biết và giám sát. “Lát đá tự nhiên tổng mức đầu tư có thể rất đắt, thế nhưng nếu nó mang lại lợi ích lớn, lâu dài thì vẫn phải làm”, ông Phạm Sỹ Liêm nói.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm – ông Phạm Tuấn Long cho biết, việc thay thế hơn 20 loại gạch đá trên bằng đá granite có nguồn gốc Bình Định để tạo sự đồng bộ cảnh quan hồ Gươm. Theo ông Long, đá granite có độ bền hàng chục năm.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chưa thông tin cụ thể về số tiền đầu tư. “Riêng phần lát đá, chúng tôi đang bóc tách dự toán nên chưa có số liệu chính xác về số tiền”, ông Long nói.
Nguồn: http://dantri.com.vn/xa-hoi/lat-da-toan-bo-via-he-ho-guom-thanh-cai-bay-khi-troi-mua-20180312064705952.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.