Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Sắp xử lý nhà mạng vi phạm quản lý kích hoạt SIM trả trước

Sau khi Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ TT&TT và các Sở TT&TT kiểm tra việc SIM kích hoạt sẵn tung ra thị trường đã phát hiện vẫn có thể dễ dàng mua SIM kích hoạt sẵn. Bộ TT&TT yêu cầu phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm này.



Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, sau đợt kiểm tra mới đây của Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ TT&TT và Sở TT&TT về thực hiện khóa SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội, đã phát hiện tại một số địa điểm vẫn dễ dàng mua SIM kích hoạt sẵn, thậm chí có điểm mua được ngay 500 SIM đã kích hoạt.
"Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp rà soát các đại lý của mình, tuân thủ những quy định quản lý thuê bao di động trả trước để lành mạnh hóa thị trường. Theo Nghị định 49 về quản lý thuê bao di động trả trước, Cục Viễn thông sẽ mời các nhà mạng vi phạm lên xử lý theo quy định", ông Nguyễn Đức Trung nói.
Phát biểu chỉ đạo vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện có vi phạm về SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Thứ trưởng Phạm Hồng Hải yêu cầu Cục Viễn thông phải xử lý nghiêm các vi phạm này theo đúng quy định của Nghị định 49.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngày 5/2/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải tăng cường quản lý SIM rác, tin nhắn rác.
"Mới đây, Thái Lan đã tiếp tục siết chặt quản lý thuê bao di động để chống khủng bố và tội phạm công nghệ cao. Thái Lan yêu cầu tất cả các thuê bao mới phải chụp ảnh và quét vân tay. Như vậy, việc quản lý thuê bao di động ở Thái Lan chặt chẽ hơn Việt Nam", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Trước đó, Cục Viễn thông cho biết, Nghị định số 49/2017/NĐ-CP được ban hành với mục đích sửa đổi, bổ sung, thay đổi một số quy định về quản lý thuê bao di động nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác triển khai, giảm tục hành chính, tăng tính chính xác của thông tin thuê bao di động trả trước, đồng thời đưa ra các mức xử phạt nghiêm khắc hơn nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng.
Theo nghị định mới này, việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập hoặc điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông khác thiết lập được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền. Như vậy, sẽ không còn hình thức điểm giao dịch được doanh nghiệp viễn thông ủy quyền cho các hộ kinh doanh. Thêm vào đó nghị định này quy định SIM thuê bao di động chỉ được cung cấp tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
Nghị định sẽ tập trung quản lý mạnh vào các nhà mạng với các quy định như nhà mạng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, kể cả các điểm ủy quyền. Như vậy, nếu có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước thì nhà mạng sẽ là đối tượng bị xử lý thay vì đổ trách nhiệm sang đại lý SIM thẻ như trước đây.
Vẫn theo nghị định mới này, nhà mạng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ (theo các quy định tại Nghị định) của các thông tin thuê bao di động thực hiện giao kết hợp đồng sau ngày này. Sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, nhà mạng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ (theo các quy định tại Nghị định) của toàn bộ thông tin thuê bao di động được lưu giữ (bao gồm cả các thông tin thuê bao thực hiện giao kết hợp đồng trước ngày Nghị định có hiệu lực).
Nghị định mới này sẽ có các mức xử phạt chi tiết cho từng hành vi vi phạm với từng chủ thể (thuê bao, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông di động, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp viễn thông di động) và tập trung chủ yếu xử phạt các doanh nghiệp viễn thông di động (do chịu toàn bộ trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin thuê bao), Cụ thể sẽ phạt tiền đến 1 triệu đồng trên mỗi số thuê bao đối với nhà mạng trong trường hợp cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định. Phạt tiền đến 30 triệu đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đối với nhà mạng trong trường hợp chấp nhận giấy tờ không đúng quy định. Phạt tiền đến 40 triệu đồng khi bán, lưu thông SIM thuê bao đã nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ và bán SIM thuê bao di động khi không được nhà mạng ký hợp đồng ủy quyền.
Nghị định này còn đưa ra quy định sẽ phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với nhà mạng khi không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định. Phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với người đại diện theo pháp luật của nhà mạng khi không bố trí nhân sự, phương tiện kỹ thuật nhằm bảo đảm khả năng truy nhập cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp để kiểm tra khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, nếu nhà mạng từ chối việc cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra cơ sở dữ liệu thuê bao tập trung như đã từng xảy ra sẽ bị xử phạt nặng thày vì chỉ bị nhắc nhở.
Ngoài ra, Nghị định còn có các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả như buộc nhà mạng phải nộp lại tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của SIM đối với các thuê bao được cung cấp dịch vụ vi phạm quy định.
Nguồn: http://ictnews.vn/vien-thong/sap-xu-ly-nha-mang-vi-pham-quan-ly-kich-hoat-sim-tra-truoc-164170.ict

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.