Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Uber Grab đã “khai tử” hơn 3.000 xe taxi truyền thống tại Sài Gòn

Trong một báo cáo mới nhất, Hiệp Hội Taxi TP HCM cho hay, kể từ khi Grab và Uber hoạt động trên địa bàn thành phố khiến taxi truyền thống gặp khốn đốn. Chưa đầy 3 năm đã có tới 4 công ty giải thể sáp nhập và số xe bị khai tử vượt qua con số 3.000.



Chưa cải thiện được gì nhiều cung cách hoạt động, các Hiệp hội Taxi truyền thống liên tục kêu khó trong cạnh tranh với Uber, Grab
Theo Hiệp hội này, năm 2010 trên địa bàn TPHCM, lượng taxi hoạt động ổn định với khoảng 12.000 đầu xe, vận chuyển khoảng 200 triệu hành khách mỗi năm. Taxi đã chiếm khoảng 35-40% sản lượng vận tải hành khách công cộng của toàn thành phố. Doanh nghiệp trên địa bàn cũng đóng góp hàng tỷ đồng cho ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, năm 2014, khi công ty Grab và Uber hoạt động với hình thức như taxi truyền thông đã khiến cho thị trường bị đảo lộn, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không chịu nổi sức ép cạnh tranh nên 4 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đã tuyên bố giải thể hoặc sáp nhập. Hiện, đầu xe tax hoạt động trên địa bàn thành phố chỉ còn 8.900 xe, giảm hơn 3.000 xe so với năm 2010.
Cũng theo Hiệp hội Taxi TPHCM, trong hai năm gần đây, số lượng xe chạy hợp đồng điện tử trên địa bàn thành phố đã tăng nhanh chưa từng có và hiện đã lên tới con số 28.000. Chiếm phần lớn trong số này là thuộc về xe hợp đồng điện tử loại 9 chỗ ngồi trở xuống chạy cho hai hãng Uber và Grab.
Điều này đã khiến cho thị trường vận tải hành khách taxi bị lũng đoạn, mất phương hướng. Chưa kể, số lượng xe con chạy hợp đồng đã tăng từ mức 6.000 xe lên đến 28.000 xe, gấp 3 lần số taxi hiện nay và vượt qua quy hoạt taxi đến năm 2025 là 16.500 chiếc, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Trong văn bản gửi các bộ ngành mới đây, Hiệp Hội Taxi TP HCM cho rằng, việc 2 công ty nước ngoài là Uber và Grab với năng lực vốn lớn đã thông qua hình thức khuyến mãi giảm giá cước tràn lan đã khiến thị trường bị chi phối và lũng đoạn nghiêm trọng. Chưa kể, nhà nước lại thất thu thuế nếu việc thống kê số ô tô, kể cả xe gắn máy không chính xác.
“Đáng tiếc, Bộ Giao thông Vận tải – đơn vị chủ quản ngành vận tải đã chưa lắng nghe và tiếp nhận khuyến cáo từ các doanh nghiệp và hiệp hội, kể cả các sở giao thông cũng như UBND TP. Đây là một điều đáng tiếc, ngành taxi có thể ‘chết do chính sách của chính mình’” – Văn bản của Hiệp hội Taxi TP HCM nhấn mạnh.
Từ các quan ngại ở trên, Hiệp hội này kiến nghị: Trong khi chưa có Nghị định mới thay thế Nghị định 86 thì sau khi hết thời gian thí điểm nên không tiếp tục gian hạn thí điểm theo Quyết định 24. Bởi với các yếu tố tiêu cực kể trên, nếu không điều chỉnh thì rất có thể, thị trường kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi sẽ chỉ còn là thị trường do người nước ngoài nắm giữ và quyết định.
Trước đó hồi tháng 10/2017 cho rằng chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (trong đó chủ yếu các xe Uber, Grab) được Bộ Giao thông vận tải ban hành bằng quyết định 24/QĐ-BGTVT có sai phạm, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng có văn bản kiến nghị gửi tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương liên quan kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được Hiệp hội cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.
Nguồn: http://dantri.com.vn/su-kien/uber-grab-da-khai-tu-hon-3000-xe-taxi-truyen-thong-tai-sai-gon-20171219233036602.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.