Trước mắt, những tháng còn lại của năm 2016, người dân Thủ đô Hà Nội vẫn có nguy cơ thiếu nước sạch, khi Dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2 còn dang dở mà tuyến ống truyền tải nước sạch số 1 “ốm yếu” và liên tục gặp sự cố.
Tiến độ thi công Dự án đường ống nước sạch số 2 sẽ khiến người dân Thủ đô Hà Nội vẫn có nguy cơ bị thiếu nước sạch trong thời gian tới.
Kế hoạch cấp nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa
Mặc dù tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2 được coi là “vị cứu tinh” của tuyến đường ống số 1 đã “ốm yếu” và liên tục gặp sự cố rò rỉ, bục vỡ đến (20 lần), nhưng theo quan sát, tiến độ thi công tuyến đường ống số 2 vẫn rất chậm và chưa biết đến khi nào hoàn thành. Chính vì vậy, người dân Thủ đô Hà Nội vẫn có nguy cơ thiếu nước sạch trong thời gian tới.
Công nhân đang hoàn trả lại mặt bằng sau khi đã khắc phục xong việc tuyến ống số 1 gặp sự cố lần thứ 20 hôm 2/10 vừa qua.
Gần đây nhất, vào ngày 2/10, tuyến đường ống số 1 gặp sự cố rò rỉ tại khu vực khoảng km22+900 trên Đại lộ Thăng Long, đã khiến hàng chục nghìn hộ dân Hà Nội bị thiếu nước sạch nhiều ngày.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Xuân Cương – Giám đốc Xí nghiệp Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy (Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội) – cho biết “Ngoài nước do Xí nghiệp tự sản xuất, công ty có mua thêm nước sạch sông Đà. Sau sự cố tuyến ống dẫn nước sạch sông Đà gặp sự cố lần thứ 20 hôm 2/10, mấy ngày hôm sau đơn vị này ngừng hẳn cấp nước cho Xí nghiệp tôi. Chính vì vậy, việc cung cấp đến cho người dân cũng bị ảnh hưởng, nhất là vào khoảng thời gian buổi sáng và chiều tối. Nói chung chúng tôi phải “co kéo” mới duy trì tạm đủ cấp nước cho dân”.
Tương tự, ông Đào Quang Minh – Phó Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa – cho biết thêm, mặc dù nhu cầu của xí nghiệp lớn, nhưng thời gian gần đây Công ty Viwasupco chỉ cung cấp được khoảng 15.000 m3/ngày đêm. Do đó, có thời điểm người dân sẽ bị thiếu nước, nhất là khi tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà gặp sự cố.
Lo lắng về viễn cảnh xa hơn, ông Lại Văn Thịnh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông - chia sẻ: Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nhiều nhà cao tầng liên tục “mọc” lên, chính vì vậy, kế hoạch cung cấp nước sạch đã không theo kịp. Nếu dự án tuyến đường nước sạch sông Đà số 2 không sớm được triển khai, nguy cơ thiếu nước sạch ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội vẫn rất cao.
“Theo tôi phán đoán, có thể để đảm bảo an toàn cho đường ống số 1 nên Viwasupco đã phải giảm áp lực truyền tải nước, do đó nước cuối nguồn rất yếu, thậm chí không đến được. Cách đây 2 năm, công ty chúng tôi đã phải đầu tư trạm máy bơm tăng áp, mục đích là để đẩy nước nhanh hơn đến khu vực cuối nguồn, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Công ty chúng tôi ngoài việc tự sản xuất nước thì vẫn phải mua thêm nước của Viwasupco với mức bình quân khoảng 31.000 m3/ngày đêm” – ông Thịnh cho biết.
Chờ chỉ đạo của Chính phủ
Tuyến đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy nước sạch Sông Đà - Hòa Bình về Hà Nội từ khi đi vào sử dụng (4/2009) đến nay đã nhiều lần gặp sự cố bục, rò rỉ, vỡ… đến 20 lần, làm gián đoạn việc cấp nước ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và kế hoạch sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp.
Để khắc phục thực trạng này, ngày 7/10/2015, Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã khởi công xây dựng Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông giai đoạn II, nhằm nâng công suất từ 300.000 m3/ngày đêm lên 600.000 m3/ngày đêm.
Tổng vốn đầu tư cho Dự án trên lên tới gần 5.000 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn tự có và vốn vay tín dụng thương mại (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). Thời gian thi công toàn bộ Dự án giai đoạn II dự kiến trong 48 tháng.
Trước mắt, để hỗ trợ khẩn cấp tuyến ống số 1, Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex đã cho triển khai thực hiện ngay việc thi công xây dựng hạng mục “tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án dài 21km từ cọc 327 (cổng Viện Phim) - km 30+801 đến cọc 750 (cầu chui dân sinh km9 + 656)”. Tuyến ống được thiết kế nằm trong dải phân cách giữa đường cao tốc phải và đường gom phải Đại lộ Thăng Long thuộc các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức. Hạng mục này có dự toán trên 1.047 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án này: Từ ngày 7/10/2015 - 30/5/2016.
Tuy nhiên, vào tháng 3/2016, trước thông tin việc Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) trúng gói thầu cung cấp toàn bộ ống gang dẻo cho dự án của tuyến ống số 2, dư luận đã có những ý kiến trái chiều.
Ngày 6/4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng) đã đồng ý với kiến nghị của UBND TP Hà Nội về việc yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2.
Mới đây, báo cáo của Vinaconex cho biết, Hội đồng quản trị Viwasupco đã thông qua Nghị quyết về việc hủy thầu và không ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu CCOG-09 với nhà thầu Xingxing.
Đến nay, chưa có thông tin nhà thầu nào sẽ thay thế Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing để cung cấp ống cho Dự án đường nước số 2. Đại diện Công ty Viwasupco cho biết, trước mắt vẫn thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo cho dự án và chờ chỉ đạo của Chính phủ. Đồng nghĩa với việc đường ống nước sạch sông Đà số 2 vẫn tiếp tục tình trạng dang dở.
Một số hình ảnh về tiến độ thi công Dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2:
Công nhân đang tiến hành thi công đoạn ống thép vượt sông Đáy của Dự án đường nước sạch sông Đà 2.
Vị trí lắp đặt ống thép qua sông Đáy (Quốc Oai - Hà Nội) của Dự án đường nước sông Đà số 2.
Một đoạn tuyến ống thép của Dự án đường ống dẫn nước số 2 qua sông Tích.
Các vị trí khác của Dự án đường ống nước số 2 trên khu vực Đại lộ Thăng Long vẫn gần như "án binh bất động".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.