Nghề bán hàng online đem lại thu nhập tới cả trăm triệu đồng. Nhiều bạn trẻ đã gặp may nhưng cũng không ít người phải nhận từ công việc này "quả đắng” vì vội vàng, thiếu tìm hiểu thị trường.
Thu nhập “khủng” từ Facebook
Tháng 6/2018, Nguyễn Văn Việt (sinh năm 1996, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình) bắt đầu gắn bó với nghề kinh doanh online từ số vốn 15 triệu đồng.
Nguyên do từ một lần tình cờ mua áo trên mạng xã hội facebook, chàng trai cử nhân Cao đẳng nghề Bách Khoa này nhận thấy, mọi người giờ đây gần nhau hơn vì nhờ chiếc điện thoại thông minh và mạng xã hội phát triển.
Nghĩ là làm, Nguyễn Văn Việt bán online các tấm ốp điện thoại, rồi bán thêm túi sách. Ban đầu, các công việc nhận đơn hàng, đóng gói đều tự làm. Không ngờ cách thức kinh doanh mới mẻ và tiện lợi lại hút khách. Đơn hàng dần nhiều lên.
Kiếm được tiền từ kinh doanh cũng cần bí quyết riêng. Bật mí đôi chút, Nguyễn Văn Việt cho biết đã chi một khoản kinh phí kha khá để quảng cáo trên Facebook. Tuy nhiên, việc “chạy” quảng cáo bên trong phần trình quản lý quảng cáo của Facebook chứ không chạy trực tiếp trên bài đăng.
Với những cách này, hệ thống phần mềm của facebook sẽ “tin tưởng” và duyệt bài nhanh hơn. Thay vì mất khoảng 2 - 5 h chờ duyệt khi thì nay chỉ mất khoảng 5 phút, lượng khách hàng tương tác với bài viết cũng là khách hàng thật 100%.
Sau gần 2 năm kinh doanh online từ kênh facebook, Việt đã có mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Những tháng cao điểm, Nguyễn Văn Việt bán tới 100 triệu đồng tiền hàng chỉ nhờ chiếc máy tính kết nối internet.
Cũng giống với Nguyễn Văn Việt, việc khởi nghiệp trên mạng cũng đem lại cho Phạm Văn Hoàng (Hà Nội) một khoản thu nhập tạm ổn.
Chàng trai 24 tuổi này đã từ bỏ công việc ổn định tại một xí nghiệp xe buýt lớn của Hà Nội cách đây gần 1 năm, trước sự ngăn cản của gia đình để đến với kinh doanh. Phạm Văn Hoàng đã học hỏi cách làm quảng cáo qua facebook từ một người bạn từng kinh doanh online.
Những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 khiến mọi người hạn chế ra đường. Phạm Văn Hoàng bán phụ kiện cục sạc điện thoại. Ngay trong tháng đầu, số tiền lãi Hoàng thu được lên đến gần 50 triệu đồng.
Phạm Văn Hoàng cho biết: “Có lẽ tôi vô tình chọn đúng “điểm rơi” về thiên thời. Lúc dịch bệnh mọi người hạn chế ra đường, nghề kinh doanh online của tôi đáp ứng đúng nhu cầu hạn chế đi lại và tiếp xúc trực tiếp”.
Có những ngày nhiều người mua quá, Hoàng phải nhờ cả gia đình gói hàng mới kịp sáng sớm chuyển cho khách hàng.
Câu chuyện của Hoàng và Việt chỉ là ví dụ nhỏ cho nhiều mô hình khởi nghiệp online của bạn trẻ thời điểm này. Nhiều người dám làm và có thu nhập tốt vì nắm bắt xu thế công nghệ, tâm lý mua hàng và cách thức giao dịch trên mạng xã hội.
Không ít khó khăn
Tuy nhiên, bên cạnh thành công cũng có nhiều thất bại. Khác với kinh doanh sản phẩm tiêu dùng, giá bình dân như Việt và Hoàng, chị Trần Thu Hà (Hà Nội) lại chọn mặt hàng cần nguồn vốn lớn.
Công việc làm chủ một cửa hàng cà phê đem lại cho chị Trần Thu Hà nhiều thời gian rảnh. Thấy kinh doanh online sôi động, chị cũng quyết định thử sức với nghề.
Chị Trần Thu Hà kể lại: “Tôi bắt đầu kinh doanh mặt hàng chăn ga, gối đệm cao cấp có giá từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng. Tiền vốn nhập vào rất cao mà sản phẩm thì không bán được. Suốt cả tháng, tôi chỉ bán được 5 sản phẩm cho... người quen”.
Sản phẩm chị bán thuộc dòng cao cấp và có giá trị cao. Trong khi đó, khách hàng online thường có tâm lý chưa tin tưởng khi chọn mặt hàng nhiều tiền vì không được cầm xem trực tiếp.
Cùng hoàn cảnh với chị Hà, bạn Trần Phương Anh cũng phải dừng lại công việc kinh doanh quần áo online của mình.
Việc giao hàng và thu tiền từ khách phụ thuộc vào dịch vụ vận chuyển. Để thực hiện công đoạn nhận hàng - chuyển tới khách - thu tiền - chuyển về người bán, phải mất một thời gian tới cả tuần lễ.
Trong khi đó, vốn đầu tư không nhiều khiến Phương Anh không thể nhập hàng mới để tiếp tục kinh doanh.
“Em là sinh viên nên không có nhiều tiền đầu tư. Mỗi đợt chuyển hàng đi - về mất 1 tuần sau vốn mới về, chưa kể hàng bị khách hoàn trả lại. Sau 2 tháng kinh doanh online, em không thấy lãi nên quyết định dừng lại” - Phương Anh chia sẻ.
Theo nhiều người kinh doanh online cho biết, công việc này đòi hỏi sự kiên trì trong việc tìm kiếm, tiếp cận khách hàng. Đồng thời, người bán hàng cũng kiên trì trong việc đầu tư nội dung và sản phẩm khó khăn trong việc kinh doanh online.
Bên cạnh đó, người bán hàng phải có kỹ năng xử lý những khó khăn, vướng mắc trong lúc làm kinh doanh.
Còn theo Nguyễn Văn Việt, khó khăn lớn nhất đó là làm sao tạo được niềm tin cho khách hàng. Điều này, mỗi shop online cần phải đầu tư sản phẩm đảm bảo chất lượng, hình ảnh đăng tải lên cũng phải chân thật nhất. Việc chăm sóc khách hàng tận tình mang cảm giác cho khách hàng rằng mình được quan tâm hơn.
“Lúc mới kinh doanh, do không kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm. Tôi bị khách hàng hoàn trả lại rất nhiều. Vừa tốn chi phí vận chuyển lại vừa phải vứt bỏ sản phẩm đi hoặc bán với giá rẻ. Có ngày lỗ vài triệu đồng là chuyện bình thường”- Nguyễn Văn Việt kể.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.