Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

MC Long Vũ rời ghế lãnh đạo VTVCab, cổ phiếu “chết” thanh khoản

Sau một thời gian đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của VTVCab, MC nổi tiếng Long Vũ đã rời khỏi vị trí này. Trong khi đó, cổ phiếu CAB của VTVCab vẫn “tê liệt” thanh khoản dù đã lên sàn gần 2 năm.


Thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây mặc dù được giao dịch có phần nhộn nhịp hơn, song theo ghi nhận, vẫn có hơn 1.000 mã cổ phiếu không diễn ra giao dịch nào. Một trong những mã này là CAB của Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab).
Mặc dù, VTVCab đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 6/2018 với 45,74 triệu cổ phần đăng ký giao dịch trên UPCoM, thế nhưng mã cổ phiếu này gần như không có thanh khoản.
Hiện, cổ đông Nhà nước với Đài truyền hình Việt Nam làm đại diện đang nắm giữ hơn 45,08 triệu cổ phần tương ứng 98,55% vốn điều lệ VTVCab. Với tỷ lệ này, sự khan hiếm thanh khoản tại CAB trên thị trường không quá khó hiểu.
Mức giá cổ phiếu CAB đang duy trì mức cao ngất ngưởng, thị giá đang là 140.900 đồng
Mới đây, VTVCab triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 tại Hà Nội thông qua miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban Kiểm soát. Tại phiên họp này, ĐHĐCĐ VTVCab đã thông qua miễn nhiệm 3 thành viên của HĐQT trong đó có ông Trịnh Long Vũ (MC Long Vũ) và hai cá nhân khác là ông Nguyễn Trung Huấn và ông Nguyễn Hữu Long; miễn nhiệm 1 thành viên Ban kiểm soát là ông Đinh Trung Dũng. Thành viên mới trong HĐQT nhiệm kỳ 2020-2022 của VTVCab là ông Vũ Quang Tạo.
MC Long Vũ rời ghế lãnh đạo VTVCab, cổ phiếu “chết” thanh khoản - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Ông Trịnh Long Vũ từng nổi tiếng với vai trò là MC, bình luận viên bóng đá
Ông Trịnh Long Vũ được biết đến với vai trò là MC nổi tiếng của VTV. Được biết, ông Vũ giữ nhiều chức vụ quan trọng tại VTVCab như Trưởng phòng thể thao, Trưởng ban Biên tập và đến tháng tháng 7/2018 thì ông Vũ được bổ nhiệm vào vị trí Thành viên HĐQT VTVCab. 
Lý do miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Vũ được công bố là “theo sự phân công nhiệm vụ của Đài truyền hình Việt Nam”.
Với tâm lý chưa thực sự ổn định của giới đầu tư, áp lực bán vẫn đè nặng trên thị trường khiến chỉ số chính VN-Index phần lớn thời gian trong sáng nay (2/3) diễn biến dưới giá tham chiếu trước khi tạm kết phiên với mức giảm 0,88 điểm tương ứng 0,1% còn 881,31 điểm.
HNX-Index cũng rung lắc khá mạnh, tạm dừng với mức tăng nhẹ 0,09 điểm tương ứng 0,08% lên 109,66 điểm và UPCoM-Index sụt 0,03 điểm tương ứng 0,06% còn 55,02 điểm.
Dòng tiền bắt đáy tiếp tục chảy vào săn lùng cổ phiếu giá rẻ đẩy thanh khoản trên HSX lên 116,94 triệu cổ phiếu tương ứng 1.927,23 tỷ đồng và trên HNX lên 37,85 triệu cổ phiếu tương ứng 421,9 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 10,28 triệu cổ phiếu tương ứng 92,57 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường có phần nghiêng nhẹ về phía các mã giảm, tuy nhiên chênh lệch tăng - giảm không đáng kể. Thống kê cho thấy toàn thị trường có 280 mã giảm giá, 32 mã giảm sàn so với 248 mã tăng và 28 mã tăng trần.
Trong sáng nay, sự hồi phục ấn tượng của GAS và SAB (tăng lần lượt 2.000 đồng và 5.700 đồng mỗi cổ phiếu) đã nâng đỡ đáng kể cho chỉ số chính, giúp VN-Index tăng thêm lần lượt 1,11 điểm và 1,06 điểm. Nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng như STB, MBB, BVH, TCB cũng tăng giá.
YEG và QCG vẫn giữ phong độ, tăng kịch trần với lực cầu áp đảo. YEG hiện đã tăng trần thêm 4.200 đồng lên 64.400 đồng, khớp lệnh đạt gần 70 nghìn cổ phiếu, không hề có dư bán và dư mua giá trần đạt trên 63,4 nghìn đơn vị. QCG cũng khớp lệnh trên 158 nghìn cổ phiếu, không có dư bán và dư mua giá trần lên tới hơn 1 triệu đơn vị.
Song ở chiều ngược lại, nhóm “ông lớn” như VCB, VIC, VHM, MSN giảm giá lại kìm giữ thị trường khiến VN-Index không thể bứt tốc. Chưa kể, với diễn biến của dịch Covid-19 theo chiều hướng ngày càng phức tạp, cổ phiếu lớn trong lĩnh vực du lịch và hàng không vẫn bị thiệt hại nặng.
Sáng nay, VTR của Vietravel giảm 2.300 đồng xuống 42.300 đồng. Trong khi đó, VJC của Vietjet Air giảm 1.900 đồng xuống còn 120.000 đồng; HVN của Vietnam Airlines giảm 1.050 đồng xuống 21.950 đồng/cổ phiếu.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cơ hội đầu tư vẫn đang xuất hiện khi nhiều cổ phiếu đã giảm về vùng quá bán và tạo mặt bằng giá hấp dẫn.
Trong khi đó Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, với áp lực giảm từ thị trường chứng khoán toàn cầu đã khiến thị trường chứng khoán trong nước một lần nữa giảm mạnh, VN-Index bị đẩy xuống gần vùng hỗ trợ 860 điểm.
Các thị trường chứng khoán quốc tế đang có mức dao động lớn, thị trường trong nước có thể chịu áp lực trong các phiên đầu tuần nhưng sẽ dần ổn định trong các phiên cuối tuần. Do vậy, các nhà đầu tư được khuyên nên quan sát thị trường, chưa vội mở thêm vị thế mới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/mc-long-vu-roi-ghe-lanh-dao-vtv-cab-co-phieu-chet-thanh-khoan-20200302134636880.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.