Đề tài “Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” của GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương và các cộng sự mở ra một cánh cửa tươi mới cho bệnh nhân ung thư vú. Nhờ ứng dụng nhiều kĩ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú của Việt Nam đạt 75%, ngang với Singapore.
Không còn là “ác mộng” với loại ung thư gặp hàng đầu ở nữ giới
Được Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 vinh danh ở lĩnh vực Y dược, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương bày tỏ sự tự hào về thành tựu y học của Việt Nam so với các nước tiên tiến trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học VN cùng ông Phan Xuân Dũng trao giải Nhất lĩnh vực Y Dược.
"Trình độ, tay nghề của bác sĩ Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực điều trị ung thư nói riêng ngày càng được khẳng định, thể hiện ở tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng áp dụng các máy móc, trang thiết bị, thuốc men ngang tầm các nước. Người dân hoàn toàn có thể tin tưởng vào tay nghề điều trị của bác sĩ trong nước". GS Thuấn chia sẻ.
Tại Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ giới với tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi (ASR) vào năm 2013 là 24,4/100.000 dân (ước tính của GLOBOCAN năm 2018 là 26,4/100.000 dân).
Tại Hà Nội, tỷ lệ này khá cao trong giai đoạn 2005-2008 là 40,3/100.000 dân và có khuynh hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Ngoài các yếu tố di truyền, nguy cơ ung thư vú có liên quan đến tuổi bắt đầu kinh nguyệt muộn, tuổi sinh con lần đầu trên 30 tuổi. Xu hướng mắc ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam bắt đầu tăng từ độ tuổi 30-34 tuổi và tăng nhanh, đỉnh cao ở 55-59 tuổi với tỷ lệ là 135/100.000 dân.
Theo thống kê, hiện có khoảng 42.188 người đang sống cùng căn bệnh ung thư vú. Trước đây ung thư vú là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhưng ngày nay ung thư vú có thể sàng lọc, phát hiện sớm và tiên lượng điều trị tốt nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam vẫn còn đến một nửa bệnh nhân ung thư vú đến viện khi đã ở giai đoạn 3 – 4, lúc này khả năng chữa khỏi không còn cao.
Trước đây, khi chẩn đoán ung thư với nhiều người coi là "cửa tử", nhưng ngày nay, các nước tiên tiến đều coi ung thư như một bệnh mãn tính, sống chung với bệnh. Với ung thư vú, nhiều chị em suy sụp, mất tinh thần khi được chẩn đoán ung thư.
Nhưng ngày nay, với nhiều ứng dụng kĩ thuật mới mang lại hiệu quả điều trị rất cao. Như với kỹ thuật FISH – phương pháp lai tại chỗ gắn huỳnh quang, tỷ lệ bộc lộ HER2 lên đến 41%, và tỷ lệ khuyếch đại gen chiếm 39%, là dấu ấn quan trọng cho việc ứng dụng liệu pháp điều trị đích bằng kháng thể đơn dòng Trastuzumab, qua đó cải thiện ngoạn mục về tỷ lệ sống thêm cho bệnh nhân ung thư vú có thụ thể HER2 dương tính, cụ thể tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 1-3 năm là 87-98%, kể cả ở các nhóm có di căn hạch tỷ lệ sống không bệnh sau 5 năm là trên 75%.
"Nếu bình thường không có biện pháp điều trị đích, không có phương pháp chẩn đoán gen, tỉ lệ sống thêm của người bệnh có gen dương tính dưới 50%. Nhưng nay, nhờ các kĩ thuật mới này đã "lội ngược dòng" một cách ngoạn mục, với tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú tại BV K là 75%, tương đương như tại Singapore", GS Thuấn nói.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sống và khả năng tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh, đề tài cũng xây dựng phác đồ hóa chất bổ trợ trước kết hợp với chỉ định phẫu thuật bảo tồn, kết hợp với các phương pháp phẫu thuật tạo hình mới với thời gian tiến hành ngắn, khá an toàn, ít tai biến, và mang lại tính thẩm mỹ cao và đa số bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị. Ngoài ra, điều trị xạ trị kỹ thuật cao như xạ trị điều biến liều IMRTcũng lần đầu được ứng dụng đã giúp tăng tính chính xác và giảm độc tính đối với các mô lành xung quanh tổ chức u, tăng hiệu quả điều trị ung thư vú.
Ngoài ra, các phác đồ điều trị bổ trợ như cắt buồng trứng phối hợp với Tamoxifen, phác đồ TAC, phác đồ TA (Taxanes – Doxorubicin), phác đồ CMF và CAF, phác đồ AC, Anastrozole… cho thấy tỷ lệ sống thêm từ 2-5 năm từ 70-96%. Ứng dụng tiến bộ về sinh học phân tử và giải phẫu bệnh cũng được chú trọng nghiên cứu nhằm đánh giá các yếu tố tiên lượng thời gian sống thêm (ER, PR HER2)cho bệnh nhân ung thư vú.
“Đây là một tỉ lệ rất cao với ung thư vú. Với tỉ lệ điều trị khỏi ung thư vú là 75%, ngang với Singpore. Nếu công tác sàng lọc, phát hiện sớm được đầu tư hơn, 95% ca ung thư vú được điều trị khỏi nếu phát hiện sớm”, GS Thuấn khẳng định.
Sàng lọc quan trọng hàng đầu phòng ung thư vú
GS Thuấn cho biết, với ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm tỉ lệ chữa khỏi đến 95%. Tuy nhiên tại Việt Nam, vẫn có đến 50% bệnh nhân ung thư vú đến viện ở giai đoạn muộn.
Trong khi đó, việc tầm soát, sàng lọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng với phát hiện sớm ung thư vú. Trong giai đoạn 2008-2010, qua sàng lọc 70.980 phụ nữ tại 7 tỉnh/thành phố, tỷ lệ phát hiện ung thư vú qua sàng lọc là 59,2/100.000 phụ nữ là khá cao, cho thấy hiệu quả khi triển khai các chương trình này tại cộng đồng.
Tuy nhiên tại cộng đồng, chỉ có 24,2% phụ nữ có thực hành tự khám vú hàng tháng trong số những người tham gia chiến dịch sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng đó là tỷ lệ phát hiện bất thường ở nhóm phụ nữ thực hành tự khám vú thấp hơn ở nhóm không thực hành cho thấy hiệu quả và ý nghĩa của việc hướng dẫn phụ nữ tự khám vú đối với việc phát hiện sớm tổn thương ung thư vú.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương. Ảnh: Hữu Nghị.
"Hiệu quả sàng lọc ung thư vú rất rõ, rất mong thời gian tới BHXH chi trả tối thiểu cho việc khám sàng lọc, qua đó tăng được tỉ lệ người bệnh đi khám, điều trị sớm sẽ gia tăng tỉ lệ chữa khỏi, điều trị khỏi", GS Thuấn nói.
GS Thuấn thông tin thêm, ngoài việc điều trị nâng cao tỷ lệ chữa khỏi và giảm tỷ lệ tử vong, cụm công trình cũng chỉ ra rằng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư vú cũng cần phải được quan tâm, thậm chí kể từ khi chẩn đoán bệnh.
Tỷ lệ stress ở người bệnh ung thư vú là 40,4%; lo âu, trầm cảm tương ứng là 28,8%, 15,9%. Ngoài ra, trong số các nhu cầu hỗ trợ tâm lý - xã hội, nội dung mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất là dinh dưỡng và điều trị. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, cần phải có những biện pháp đồng bộ trong việc xây dựng các mô hình hỗ trợ tâm lý xã hội ngay tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.
GS Thuấn cũng đưa ra khuyến cáo, người Việt mắc ung thư vú trẻ hơn so với các nước, vì thế, chị em phụ nữ cần được tầm soát ung thư vú từ tuổi 40. Và chị em cũng nên chủ động tự khám vú để kịp thời phát hiện nguy cơ sớm nhất.
“Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” là kết quả tổng hợp từ 03 đề tài cấp nhà nước, 03 đề tài cấp bộ, 02 đề tài cấp cơ sở, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và 25 đề tài hướng dẫn học viên cao học, nội trú, nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công. Công trình đã cung cấp bằng chứng tương đối đầy đủ và toàn diện liên quan tới ung thư vú tại Việt Nam với 78 bài báo đã xuất bản, trong đó có 4 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế và 02 sách chuyên khảo. Việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị đã nâng cao được tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú có thể trên 95% nếu bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
Các kết quả nghiên cứu cũng đã giúp ích cho việc đào tạo nhân lực, cung cấp số liệu cho hoạch định chính sách, cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ứng dụng rộng rãi trong mạng lưới phòng chống ung thư ở Việt Nam nhờ các chương trình chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện K đối với nhiều bệnh viện ung bướu tuyến tỉnh trên cả nước.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/lan-dau-tien-ti-le-chua-khoi-ung-thu-vu-cua-viet-nam-len-den-75-201811202136152.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.