Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

TPHCM: Nguy cơ thiếu tiểu cầu cục bộ vì dịch sốt xuất huyết

Tiểu cầu là một trong những thành phần máu đặc biệt cần thiết phục vụ cho điều trị, cấp cứu người bệnh. Bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh thời gian qua tại khu vực phía Nam khiến nguồn tiểu cầu có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt trong thời gian ngắn nhưng không ảnh hưởng đến việc chăm sóc người bệnh.

Thông tin Trung tâm Truyền máu Huyết học Chợ Rẫy, bị thiếu tiểu cầu nghiêm trọng được đăng tải trên mạng trong những ngày qua đang lan truyền nhanh, gây hoang mang cho người bệnh và cả những người làm công tác chuyên môn.
Trước thực trạng trên, phóng viên đã trao đổi với TS.BS Lê Hoàng Oanh, Phó giám đốc Trung tâm truyền máu huyết học Chợ Rẫy để tìm hiểu thực hư.
Sốt xuất huyết gia tăng có thể dẫn tới tình trạng thiếu tiểu cầu cục bộ trong thời gian ngắn
Sốt xuất huyết gia tăng có thể dẫn tới tình trạng thiếu tiểu cầu cục bộ trong thời gian ngắn
TS Hoàng Oanh khẳng định, thiếu tiểu cầu đến mức độ khan hiếm nghiêm trọng tại Chợ Rẫy là thông tin không chính xác. Tiểu cầu có chức năng cầm máu và đông máu là một trong những thành phần máu rất cần thiết cho bệnh nhân chảy máu không cầm hoặc bệnh nhân bị giảm tiểu cầu do bệnh lý. Cả nước hiện có 5 trung tâm đủ điều kiện (cơ sở vật chất, trang thiết bị) đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận tiểu cầu bằng máy gạn tách tại Hà Nội, Huế, Cần Thơ và TPHCM có 2 trung tâm gồm Chợ Rẫy và Trung tâm Truyền máu Huyết học thành phố.
Thời gian sống trong cơ thể của tiểu cầu là từ 7 đến 10 ngày, lấy ra ngoài, bảo quản thời gian sống chỉ còn 5 ngày. Trên thực tế, mỗi ngày tại Chợ Rẫy tiếp nhận, bảo quản dự phòng cho điều trị từ 50 đến 70 khối tiểu cầu gạn tách bằng máy tự động. Do thời gian sống của tiểu cầu ngắn nên Trung tâm Truyền máu Huyết học Chợ Rẫy đã vận động được nguồn hiến tương đối ổn định, đảm bảo số lượng phục vụ cấp cứu, điều trị trên cơ sở cân bằng động (không để dư thừa gây lãng phí nhưng cũng không để thiếu hụt).
TS Hoàng Oanh nhận định: “Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh, số lượng tiểu cầu cần cho việc điều trị tại TPHCM nói riêng và khu vực các tỉnh phía Nam nói chung có thể sẽ tăng cao. Với lượng tiểu cầu đảm bảo cân bằng động, nguy cơ thiếu hụt có thể sẽ xảy ra trong ngày, bệnh viện sẽ vận động những người đã đăng ký hiến ổn định để bổ sung cho ngày hôm sau. Trường hợp người hiến không đủ thì đã có sự tiếp sức từ Hội chữ thập đỏ, Trung tâm Truyền máu Huyết học TPHCM nên tình trạng thiếu tiểu cầu trầm trọng không thể xảy ra”.
Cũng theo TS Hoàng Oanh, hiện nay các bệnh viện tuyến tỉnh chưa phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu nên nhu cầu về tiểu cầu đang ở mức thấp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ triển khai nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu để phục vụ người bệnh thì nguồn tiểu cầu cần tăng lên mới đảm bảo cho cả mục đích điều trị và dự phòng.
Với 5 trung tâm đủ điều kiện tiếp nhận hiện tại có thể sẽ không đủ sức cung ứng, nếu ngành y tế không có giải pháp hợp lý thì nguy cơ thiếu tiểu cầu ở mức khan hiếm có thể sẽ xảy ra trong tương lai.
Nguồn: http://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-nguy-co-thieu-tieu-cau-cuc-bo-vi-dich-sot-xuat-huyet-20170726045338311.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.