Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Hà Nội sẽ cấm xe máy đi trong các quận nội thành

Ngay từ năm nay, Hà Nội sẽ từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.


Hà Nội hiện có hơn 5 triệu xe máy và gần 500.000 ô tô. Ảnh minh họa: Vietnamnet
HĐND thành phố Hà Nội đã chính thức thông qua đề án quản lý phương tiện giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường tại phiên họp sáng 4/7, kỳ họp thứ 4 với 95/96 số đại biểu có mặt tán thành.
Thông tin trên Cổng thông tin Hà Nội, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, giai đoạn 2011 - 2016, phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh trên địa bàn có hơn 5 triệu xe máy, gần 500 nghìn ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm.
Bên cạnh đó, tình hình ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Hoạt động giao thông vận tải cơ giới đường bộ được xác định chiếm 70% trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến đến năm 2020 sẽ có hơn 800 nghìn ô tô; hơn 6 triệu xe mô tô, gắn máy. Đến năm 2030 số ô tô là gần 2 triệu; xe mô tô, gắn máy là 7,5 triệu. Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.
Theo Nghị quyết vừa được HĐND Thành phố thông qua, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như quản lý số lượng và chất lượng phương tiện tham gia giao thông; nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý để có thể giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường được chia làm 3 giai đoạn cụ thể. Trong đó, năm 2017-2018 sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017-2020 sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Và 2017-2030 từng bước hạn chế hoạt động ở một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn.
Thành phố thực hiện rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt phù hợp với các tuyến đường nâng cao chất lượng hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn. Biện pháp kinh tế được thực hiện qua nghiên cứu ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT… bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm phát triển nhanh, đồng bộ.
Ngoài ra, giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý sẽ xây dựng đề án giao thông thông minh trong tổng thể đề án Thành phố thông minh tập trung vào những nội dung cụ thể: Xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông và các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông. Thành lập trung tâm quản lý điều hành giao thông chung của Thành phố, đảm bảo chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Nguồn: http://ictnews.vn/cong-nghe-360/o-to-xe-may/ha-noi-se-cam-xe-may-di-trong-cac-quan-noi-thanh-155751.ict

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.