Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Ngày mai 28/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố phương án chính thức phương án thi THPT Quốc gia 2017

Sau một thời gian đưa ra đề xuất phương án thi THPT Quốc gia 2017 để lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, Bộ GD ĐT sẽ chính thức công bố phương án thi này vào ngày mai 28/9.

Theo thứ trưởng Ga, sáng nay 27/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dự họp giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo TƯ. Tại buổi họp giao ban này, Bộ trưởng sẽ báo cáo về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017 sau khi đã điều chỉnh dựa trên các ý kiến đóng góp của xã hội trong thời gian công bố dự thảo. Được biết, phương án thi chính thức năm 2017 sẽ có một số điều chỉnh so với dự thảo.
Dự kiến, ngày mai 28/9, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi THPT quốc gia 2017.
Tuy nhiên, cho đến tận sát thời điểm Bộ GD&ĐT “chốt” phương án thi, nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh việc thi trắc nghiệm môn Toán. Trong đó, Hội Toán học Việt Nam kiến nghị giữ nguyên hình thức thi tự luận đối với môn toán và đề nghị có cuộc đối thoại giữa hội và các cấp lãnh đạo có quyền ra quyết sách về vấn đề.
Được biết, trong ngày hôm nay 27/9, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ có buổi đối thoại, làm việc với Hội Toán học Việt Nam về kiến nghị này.

Học sinh căng thẳng chờ đợi phương án chốt cuối cùng của Bộ Giáo dục về phương án thi 2017
Học sinh căng thẳng chờ đợi phương án chốt cuối cùng của Bộ Giáo dục về phương án thi 2017
Trả lời trên Dân trí, GS Toán học hàng đầu thế giới Vũ Hà Văn (hiện đang giảng dạy tại Đại học Yale, Mỹ) khẳng định, thi trắc nghiệm đòi hỏi ở thí sinh một số kỹ năng mới, khác với cuộc thi truyền thống. Kỹ năng loại bỏ những lời giải trông quá vô lý cũng quan trọng, vì khi bài toán quá khó, thí sinh phải đoán, thì ít nhất cũng tăng được khả năng đoán trúng một cách đáng kể. Các kỹ năng này trong cuộc sống quan trọng không kém kỹ năng giải được bài toán một cách trọn vẹn.
“Mặc khác thi trắc nghiệm có lợi thế là tổ chức và chấm thi đơn giản gọn nhẹ, tránh sai sót. Thi trắc nghiệm rất thông dụng ở Mỹ, chẳng những trong những cuộc thi đại trà như SAT, mà cả trong rất nhiều cuộc thi cho học sinh năng khiếu”, GS Văn chia sẻ.
GS Vũ Hà Văn nhấn mạnh: “Cái khó đầu tiên của việc tổ chức thi trắc nghiệm ở Việt Nam, theo tôi, là khâu ra đề. Đây là cả một ngành công nghiệp, và ở Mỹ có những trung tâm lớn chuyên sản xuất đề bài cho các cuộc thi trắc nghiệm, sao cho nó phủ được những kiến thức cơ bản nhất học sinh cần có, mà vẫn đòi hỏi thí sinh một khả năng tư duy nhất định, tránh được nạn học vẹt. Sẽ rất khó tổ chức thành công thi trắc nghiệm, nếu không có sự chuẩn bị đáng kể về mặt này”.
Tuy nhiên, trước những ý kiến trên, GS.TSKH Bành Tiến Long cho rằng, thi trắc nghiệm phù hợp cho kỳ thi tuyển chọn số đông và yêu cầu kiến thức rất cơ bản và rất chắc chắn. Để đánh giá số đông tại một thời điểm ngắn thì phương thức trắc nghiệm là hợp lý nhất. Tất nhiên nếu cần để phân loại cao hơn và để hỗ trợ cho phương pháp thi trắc nghiệm, thì có thể bổ sung thêm các hình thức thi vấn đáp, phỏng vấn sâu….
GS.VS Đào Trọng Thi, cho rằng, chúng ta đang nói về kỳ thi tốt nghiệp THPT và kể cả là tuyển sinh ĐH, CĐ, về cơ bản vẫn là thi để kiểm tra năng lực cơ bản mang tính chất toàn diện của học sinh. Đó chưa phải là các năng lực vượt trội, năng lực chuyên biệt của những người lấy Toán làm mục tiêu theo đuổi nghề nghiệp của mình.
“Kinh nghiệm thế giới cho thấy hình thức thi trắc nghiệm môn Toán thường được sử dụng để thi tốt nghiệp THPT cũng như phần lớn các kỳ thi tuyển chọn số đông như tuyển sinh đại học nhưng chưa hiệu quả khi cần đánh giá năng lực vượt trội, đỉnh cao như thi học sinh giỏi. Trong trường hợp cần đánh giá năng lực Toán vượt trội, bài thi trắc nghiệm chỉ để sàng lọc sơ bộ, sau đó vẫn cần một bài thi theo hình thức tự luận hoặc vấn đáp để xác định người thắng cuộc” - GS Thi chia sẻ.
Giải thích về những tranh cãi thi trắc nghiệm môn Toán, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ.
Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ. Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu hỏi Toán hoàn toàn thi bằng hình thức TNKQ. Hằng năm mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1800 trường đại học của Hoa Kỳ.
Trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi TNKQ được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học.
Cho dù có nhiều cách giải khác nhau trong bài toán cũng cùng đến một kết quả do vậy khi thiết kế câu hỏi thi các chuyên gia đã tính toán tối thiểu phải qua bao nhiêu bước tư duy mới giải được và mất tối thiểu bao nhiêu thời gian, nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian thì các thí sinh này thực sự có năng lực bậc cao để giải quyết hết các câu hỏi trong bài thi.
Thực tế, trong các các câu hỏi TNKQ, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Do vậy, hình thức thi TNKQ hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.
Đối với dự thảo một số vấn đề cần tiếp tục khắc phục, đó là: về số lượng đề thi của ngân hàng câu hỏi thi, việc quy định phương thức xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, số lượng và địa điểm đặt điểm thi, nội dung các môn thi tổng hợp, việc công khai phương thức và điểm xét tuyển như thế nào, có nên có điểm sàn hay không, thời gian xét tuyển chỉ 1 đợt hay nhiều đợt, trong 1 đợt có thể công bố trúng tuyển nhiều lần hay không … cần phải nghiên cứu để hoàn thiện thêm.
Nguồn: http://dantri.com.vn/su-kien/ngay-28-9-bo-gddt-se-cong-bo-chinh-thuc-phuong-an-thi-thpt-quoc-gia-2017-20160927090822901.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.