Trước nhiều chỉ trích từ những cơ quan báo chí và chuyên gia truyền thông trên toàn cầu, Facebook cuối cùng cũng chịu thua và đảo ngược quyết định của mình đối với bức ảnh "Em bé Napalm".
Từng khiến cả thế giới rúng động khi được chứng kiến sự tàn bạo kinh hoàng của chiến tranh Việt Nam, bức ảnh “Em bé Napalm” của nhiếp ảnh gia Nick Ut mới đây lại tiếp tục trở thành tâm điểm của sự chú ý, khi nhiều tờ báo lớn trên thế giới đồng loạt "tố" Facebook đã chặn và gỡ bỏ bức ảnh mang tính lịch sử trên khỏi mạng xã hội do nhầm lẫn với nội dung mang tính khiêu dâm.
Theo thông báo đáp trả của Facebook khi gỡ bỏ bức ảnh thì “Bất kỳ hình ảnh nào chụp người nhưng lại không che bộ phận sinh dục hoặc mông, hoặc ngực phụ nữ đều sẽ bị gỡ bỏ”. Trước thông tin này, một số lượng lớn người sử dụng Facebook đã chia sẻ lại bức ảnh để phản đối hành động “kiểm duyệt” của mạng xã hội này. Trong đó, Na Uy là đất nước lên tiếng mạnh mẽ nhất, khi cả Tổng biên tập của nhiều tờ báo lớn, và cả nữ Thủ tướng Erna Solberg đều công khai chỉ trích quyết định gỡ bỏ của Facebook.
Nữ Thủ tướng Na Uy Erna Solberg chỉ trích quyết định gỡ bỏ bức ảnh của Facebook
Có vẻ như làn sóng phẫn nộ của cộng đồng mạng đã tác động mạnh mẽ tới Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook. Vào chiều 10/9, Facebook đã quyết định khôi phục lại những hình ảnh đã xóa trước đây. Người phát ngôn của mạng xã hội lớn nhất hành tinh cho biết:
"Hình ảnh một đứa trẻ khỏa thân thường được cho rằng vi phạm những quy chuẩn của cộng đồng và tại nhiều nước, nó sẽ được coi là sản phẩm khiêu dâm trẻ em. Trong trường hợp này, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng và giá trị lịch sử của bức hình khi đã ghi lại một khoảnh khắc của thời đại. Bởi vì vị trí của bức ảnh và giá trị lịch sử, chúng tôi quyết định sẽ khôi phục lại bức ảnh trên Facebook".
Đây không phải lần đầu tiên Facebook xóa những nội dung tương tự như vậy trên mạng xã hội của mình. Năm ngoái, họ từng xóa những hình ảnh của nhà tiên tri hồi giáo Mohammed sau vụ Charlie Hebdo. Lúc đầu, họ đổ lỗi hành động này là do được yêu cầu từ một luật sư người Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên sau đó, Facebook đã thừa nhận hành động này là do sự ủng hộ của Mark với những người Pháp và tòa soạn Charlie Hebdo.
Nguồn: http://dantri.com.vn/su-kien/facebook-ngung-chan-buc-anh-em-be-napalm-cong-nhan-gia-tri-lich-su-20160912070916012.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.